Home » , » Học Phong Thủy cùng chuyên gia Nguyễn Quang Minh - Nước với kiến trúc nơi ở

Học Phong Thủy cùng chuyên gia Nguyễn Quang Minh - Nước với kiến trúc nơi ở

Written By Unknown on Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015 | 06:39




Trong mấy năm gần đây, xu hướng ứng dụng Phong thủy trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng và kiến trúc ngày càng nhiều, từ việc xây dựng nhà cửa, tu tạo lăng mộ cho đến xây dựng xưởng sản xuất và các cơ quan hành chính. Xu hướng này phải chăng là một sự tất yếu khi mà xã hội bắt đầu có sự sung túc thịnh vượng nên người ta đã rộng rãi nghĩ đến bắt chước người xưa? Hay chính tính hiệu quả của phong thủy được ứng dụng gần như suốt chiều dài của lịch sử văn minh Đông phương và ngày nay đã được khoa học coi như một đối tượng nghiên cứu? Vậy thực ra phong thủy là gì? Và nó có mối liên hệ thế nào với kiến trúc hiện đại mà lại được quan tâm như vậy.

Bài viết này không có tham vọng khám phá sâu vào những vấn đề định lượng và bản chất của phong thủy mà chỉ xin được đưa ra những kiến giải riêng về vấn đề này qua sự so sánh những quan niệm trong ứng dụng của phong thủy với kiến trúc hiện đại.


Học Phong Thủy cùng chuyên gia Nguyễn Quang Minh - Nước với kiến trúc nơi ở





Thời gian gần đây, trào lưu ứng dụng Phong thủy trong các thiết kế về nhà ở dân dụng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh v.v... dường như là một xu hướng rất thịnh hành. Mặc dù vậy, có thể nói đại bộ phận dân chúng tuy ứng dụng phong thủy nhưng vẫn chưa hiểu hết giá trị thực của bộ môn này. Dường như họ vẫn tin nó như một thứ quyền năng huyền bí, hoặc như một thứ tôn giáo cao cả nào đó, số ít hiểu biết hơn thì coi đây như một liều thuốc diệu kì trong y học, một phần nhỏ hơn thì biết được tính ứng dụng khoa học của bộ môn này, nhưng số đông vẫn là những hiểu biết còn lệch lạc và chưa thấu đáo.

Vậy thực ra Phong thủy là gì? 

Theo từ điển Hán Việt thì phong là gió, thủy là nước. Phần lớn chỉ quan niệm đơn giản cho rằng: phong thủy là một khoa chuyên nguyên cứu về quan hệ giữa gió và nước và ảnh hưởng của nó đối với đời sống con người. Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì quả là chưa đánh giá đúng cái chân giá trị và vai trò của Phong thủy trong đời sống con người!

Lịch sử hình thành các dân tộc phương Đông có khoảng trên dưới năm ngàn năm thì cũng gần hết chiều dài lịch sử đó đã thấy có sự xuất hiện của Khoa Phong Thủy. Những văn bản cổ xưa nhất đã ghi dấu lại bằng giáp cốt văn (chữ nòng nọc – Khoa đẩu) sau khi giải mã đã cho thấy rõ điều này.

Các thành ngữ trong dân gian như: “Chọn đất mà ở” (trạch địa nhi cư), “Gần nước hướng về mặt trời” (cận thủy hướng dương) cho thấy các quan niệm chọn đất có phương pháp đã phổ biến rộng rãi trong tư tưởng mọi người. Điều này chỉ ra rằng: Đã có một hệ thống tư tưởng định hướng cho dân cư cổ đại trong việc chọn địa bàn sinh sống khi thời kì quần cư bắt đầu. Dấu vết này cũng có thể nhận thấy trong Kinh Thi là tập hợp ca dao tục ngữ cổ. 

Những sách vở được coi là vào thời kì Thương, Chu các địa danh đã có sự phân định khá chi tiết như đồi, núi, gò, đống chỉ những khu vực địa hình cao so với sông, suối, lạch, ngòi là những từ để mô tả những khu vực thấp trũng mang nước. Chứng tỏ con người thời kì này đã ý thức rất rõ về sự khác biệt giữa hình thể và tác dụng của nó ảnh hưởng thế nào đối với con người. Ngoài ra, truyền thuyết sử sách khi nói về sự kiện xe chỉ hướng Nam có từ thời thượng cổ, cũng chỉ ra được thành tựu của con người trong việc định phương hướng địa bàn.



Truyền thống ứng dụng phong thủy của nền văn hiến Việt cũng được nhắc tới từ thời Hùng Vương dựng nước: Trong những câu chuyện truyền miệng của các cụ già ở đất Phong Châu xưa, sự kiện Vua Hùng tìm đất đóng đô dựng nước vẫn luôn được nhắc đến với lòng trân trọng và sự tự hào, Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính cũng đã sưu tầm và biên soạn truyền thuyết này vào trong cuốn Nghìn xưa văn hiến do nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 1999.

Như vậy, có thể nói Phong thủy tồn tại song hành với lịch sử phát triển trải hàng nghìn năm. Tính hiệu quả của phong thủy trong xã hội Đông phương là không thể phủ nhận. Phong thủy đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của các quốc gia Phương Đông, có tính tích cực như góp phần hoạch định những khu Kinh thành sầm uất náo nhiệt, kiến tạo nên những cung điện nguy nga, khiến Tây phương cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng trong một số không ít các trường hợp do cách giải thích của những người làm nghề phong thủy vì mục đích vụ lợi hay do thiếu hiểu biết, khiến Phong thủy được hiểu như là một môn khoa học thần bí và bị ngộ nhận là bùa mê, thuốc lú làm tiền người dân, mê muội một bộ phận dân chúng, gây những nghi ngờ không đáng có đối với bộ môn này.

Phong thủy trong kiến trúc kinh thành Huế 

Đã có thời gian Phong thủy được đánh đồng với tôn giáo. Thậm chí bị coi là nhảm nhí, là mê tín dị đoan cũng chính do cách giải thích thiếu hiểu biết của chính các thầy Phong thủy, muốn thần thánh hoá, làm thần bí phức tạp thêm trong con mắt của gia chủ nhằm trục lợi cho bản thân. Trong bài viết này người viết xin đưa ra những luận điểm của mình với hy vọng đóng góp vào việc đưa môn Phong thủy dưới góc độ khoa học nhằm tránh sự hiểu nhầm sai lạc dễ đánh đồng một môn Khoa học cổ truyền với tôn giáo hay với mê tín dị đoan.

Ngày nay, phong thủy đã được coi là một đối tượng nghiên cứu khoa học. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có những cơ quan nghiên cứu về phong thủy. Là một người nghiên cứu về phong thủy và là kiến trúc sư, tôi nhận thấy rằng: Nếu chúng ta loại bỏ những cách giải thích rời rạc, bí ẩn về những khái niệm trong phong thủy thì những phương pháp ứng dụng trên thực tế của phong thủy hoàn toàn mang tính khách quan, tính quy luật, tính hệ thống nhất quán và khả năng tiên tri. Đấy là những yếu tố thỏa mãn tiêu chí khoa học cho một phương pháp khoa học.

Căn cứ vào những tiêu chí này, chúng tôi có thể khẳng định rằng: Phong thủy là một phương pháp khoa học, hoàn toàn không mang tính tín ngưỡng hoặc mê tín dị đoan. Phong thủy là hệ quả của một tri thức nghiên cứu về các qui luật tương tác của thiên nhiên, môi trường cảnh quan và là phương pháp thay đổi chỉnh sửa những hiệu ứng tương tác của môi trường lên cuộc sống của con người.

Vấn đề còn lại là chúng ta cần phải tiếp tục coi phong thủy như là một đối tượng khoa học để khám phá những thực tại được thể hiện qua những khái niệm ngôn ngữ cổ trong phương pháp luận của phong thủy.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét